Điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần:  Nếu không minh bạch dễ nảy sinh tiêu cực

  • 04/04/2024 01:39:24
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Từ 15/5/2024, giá điện được xét thay đổi ba tháng một lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Song nhiều người băn khoăn, điều chỉnh giá điện dựa trên cơ sở nào, đã có đánh giá tác động hay chưa và liệu có đảm bảo công khai, minh bạch không?

 

Cần công khai, minh bạch giá thành sản xuất điện

Từ 15/5/2024, giá điện được xét thay đổi 3 tháng/lần khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên. Điều này có nghĩa, mỗi năm có thể sẽ có tối đa 4 đợt điều chỉnh giá điện nếu chi phí đầu vào thay đổi.

Trước thông tin này, nhiều người lo ngại, việc được phép điều chỉnh giá điện với mật độ dày hơn, có thể 3 tháng/lần sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế xã hội. Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ căn cứ vào đâu để điều chỉnh giá điện?

Trên thực tế, lâu nay lý do được ngành điện đưa ra trước mỗi lần tăng giá đều là bù lỗ. Thông tin đi kèm với những lần tăng giá điện này đều mang tính chất chung chung, phần lớn là quy định, văn bản hay thông báo số tiền kinh doanh bù lỗ, hiếm khi thấy những thông số cụ thể để chứng minh. Trong khi, người dân muốn biết chênh lệch giữa chi phí sản xuất hình thành giá điện cùng thông số đầu vào cho các khâu truyền tải, phân phối, bán lẻ, chi phí quản lý, lời lỗ khâu nào với từng dự án để chấp nhận giá điện. Bởi giá điện bình quân bán cho người dân sử dụng được lập trên các thông số này. Những thông tin đó không phải là tài liệu mật, không có trong danh mục bảo vệ bí mật theo quy định nên khi ngành điện còn độc quyền càng phải kịp thời công khai minh bạch thông tin.

Điều chỉnh giá điện sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế xã hội.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, việc được phép điều chỉnh 3 tháng/lần đối với giá điện cũng là một trong những bước tiến đến phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chu kỳ điều chỉnh rút ngắn sẽ giúp giá thực tế khách quan hơn, chính xác hơn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường phân phối điện ở Việt Nam vẫn là độc quyền. Mặc dù có 7 đầu mối kinh doanh điện, nhưng cuối cùng thẩm quyền phân phối điện vẫn nằm trong tay EVN. Với tính độc quyền như vậy, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa công khai, minh bạch.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội Khóa XIII:

Tôi đề nghị cần phải minh bạch đầy đủ từ giá đầu vào của tất cả các loại hình điện nước, điện than, điện khí và điện năng lượng tái tạo, chi phí vận hành... Trên cơ sở đó mới tính được giá thành điện đúng, sát. Nếu cần, đề nghị Quốc hội vào cuộc để cho minh bạch giá đầu vào của các loại hình điện trên.

“Phải công khai cụ thể thủy điện bao nhiêu, điện than bao nhiêu, điện khí bao nhiêu và năng lượng tái tạo bao nhiêu? Giá mua của các loại điện trên bao nhiêu? Từ đó mới ra được giá thành sản xuất thế nào? Cơ quan quản lý nhà nước cần xem chi phí nào hợp lý để chấp thuận cho tính vào giá thành sản xuất điện. Tôi cho rằng không để EVN tự tính, tự đưa vào giá thành sản xuất được. Với sự độc quyền như vậy, việc tính toán giá thành cho các yếu tố đầu ra, đầu vào, lương thưởng... vẫn chưa công khai, minh bạch. Do vậy, nếu giao thẩm quyền cho EVN cứ 3 tháng/lần được điều chỉnh giá điện thì cần phải thận trọng trong việc xem xét. Khi đã minh bạch thì dù có tăng giá thế nào người dân cũng sẽ ủng hộ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Băn khoăn của người dân càng có cơ sở khi Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm liên quan đến việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện vào ngày 25/12/2023.

Cụ thể, EVN không có thuyết minh và bảng tính khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 25 thông tư số 41/2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 của Bộ Công Thương. Cục Điều tiết điện lực không thực hiện kiểm tra, thẩm định việc xây dựng khung giá phát điện đối với nhà máy thủy điện do EVN xây dựng. Bộ Công Thương chưa ban hành quy định phương pháp, trình tự thẩm định khung giá phát điện, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong việc kiểm tra, thẩm định khung giá phát điện áp dụng đối với nhà máy thủy điện.

Những kết luận thanh tra này cho thấy chi phí giá thành sản xuất điện chưa được EVN tính đúng, rõ ràng và minh bạch.

Đánh giá tác động

Việc tăng giá điện cần được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế xã hội. Bởi sự điều chỉnh này có thể có những tác động khá mạnh, đẩy lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cứ 3 tháng/lần được điều chỉnh tăng giá điện thì đề nghị Bộ Công thương và các cơ quan liên quan có đánh giá việc điều chỉnh tăng giá này sẽ tác động đến đời sống kinh tế, xã hội như thế nào? “Theo tôi, khi cho tăng giá thì dễ nhưng giảm giá chắc chắn khó. Một khi giá điện tăng sẽ tác động đến xã hội, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Điện là loại hàng hóa, sản phẩm không thể thiếu được đối với cuộc sống bình thường cho đến các doanh nghiệp. Vì vậy giá điện tăng thì tất cả sản phẩm đầu ra sẽ tăng theo” - bà Bùi Thị An cho biết.

Nếu không minh bạch dễ nảy sinh tiêu cực

Còn PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, giá bán điện bình quân được xác định trên cơ sở chi phí khâu phát điện, chi phí mua các dịch vụ truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện… cùng các khoản chi phí khác được phân bổ theo quy định. Quy định là vậy, nhưng điều quan trọng là hàng năm hoặc hàng quý, cơ quan điều hành cũng như EVN cần kịp thời công khai các khoản chi phí, tình hình tài chính, tình hình sản xuất - kinh doanh để người dân có thể giám sát.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Tổng công ty may Bắc Giang LGG:

Hiện tại công ty tôi đang sử dụng hai nguồn điện. Một là nguồn điện năng lượng mặt trời, hai là điện lưới hòa mạng quốc gia. Tuy nhiên, năng lượng mặt trời chỉ dùng được 20% - 30% còn 70% - 80% vẫn dùng điện lưới. Vì vậy, mỗi một lần mà tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành khá lớn. Đặc biệt khi mùa hè đến, cũng là mùa cao điểm của doanh nghiệp bắt đầu hoạt động mạnh từ tháng 3 - 8 là thời điểm đơn hàng nhiều nhất nên lượng điện sử dụng cao gấp đôi gấp ba so với các mùa khác. Tăng giá điện ở thời điểm này tạo nên áp lực đối với doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi mong, EVN sớm công khai minh bạch chi phí giá thành sản xuất điện.

Chia sẻ thêm về giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho hay, ngay cả cách tính giá điện bậc thang, tôi thấy cũng bất cập. EVN tự cho phép mình áp dụng cách chia giá điện làm nhiều bậc, bậc cao nhiều hơn thì sẽ dư ra và EVN được. Trong khi EVN cũng chỉ là một doanh nghiệp bình thường. Thế nên tại sao ông lại được hưởng một khoản chênh khi mà ông càng bán nhiều hàng ông càng được hưởng nhiều? Cái này không đúng, không hợp lý với quy luật cung cầu của thị trường. Vì thế, cần sự vào cuộc của kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập. Sau khi có sự đánh giá, kiểm tra của kiểm toán thì các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước mới đưa ra ý kiến và cho phép có điều chỉnh hay không.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Ngọc Chu (cựu cán bộ Viện Toán học) cho rằng, công thức tăng giá điện bậc thang theo số lượng tiêu dùng như hiện nay là công cụ điều tiết khi cung chưa đủ cầu. Nó đi ngược với quy luật thị trường càng mua nhiều giá càng giảm. Nên làm thế nào để có đủ năng lượng phục vụ tiêu dùng và sản xuất với giá thành rẻ là bài toán được đặt ra. Để làm được điều này, EVN cần có biện pháp quản lý hiệu quả trong toàn ngành, tránh thất thoát, lãng phí, dẫn đến tăng giá thành và nguy cơ cứ sau một thời gian lại đề xuất tăng giá điện. Với bộ máy và cách thức quản lý chưa hiệu quả và nhiều thất thoát như hiện nay, nguy cơ tăng giá điện là khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực:

Rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 3 tháng/lần, không có nghĩa là 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần mà còn phụ thuộc đánh giá tác động kinh tế vĩ mô, cập nhật chi phí sản xuất kinh doanh điện đã đủ mức xem xét điều chỉnh giá điện hay chưa. Cục Điều tiết điện lực sẽ điều hành giá điện đảm bảo sự công bằng, minh bạch trên cơ sở phối hợp với các bộ ngành liên quan, kiểm tra chi phí và công khai cho nhân dân giám sát đảm bảo công bằng minh bạch.

Người dân cần sự rõ ràng, minh bạch từ phía EVN, cũng như cần có điện trong cuộc sống hàng ngày. Khi đã công khai, minh bạch, người dân sẽ hoàn toàn đồng tình, ủng hộ. Ngược lại, nếu không rõ ràng, minh bạch dễ nảy sinh tiêu cực.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận